Những điều thú vị trong văn hoá ẩm thực Nhật Bản

Ẩm thực Nhật Bản luôn là một điều gì đó có sức hút rất lớn với bất cứ ai khi đến với đất nước mặt trời mọc. Không chỉ đơn giản là các món ăn mà hơn hết đó chính là cả một nền văn hoá. Vậy văn hoá ẩm thực Nhật Bản có gì đặc sắc? Tìm hiểu ngay nhé!
1. Là sự kết hợp của nhiều quốc gia
Ẩm thực Nhật Bản thực tế là sự pha trộn giữa nhiều nền văn hoá ở các quốc gia khác nhau. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua các món ăn được chuẩn bị trên bàn ăn của người Nhật.
Cụ thể như với món mì Ramen. Nhắc tới Ramen thì hầu hết chúng ta sẽ nghĩ ngay tới Nhật Bản. Thế nhưng, ít người biết được rằng mì Ramen vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc và được người Nhật thêm vào đó sự sáng tạo của riêng mình để trở thành món ăn đậm chất Nhật Bản.


Một món ăn khác cũng rất nổi tiếng trong ẩm thực Nhật đó là Tempura. Về nguồn gốc thì Tempura có xuất xứ đến từ Bồ Đào Nha. Và món ăn này có mặt tại Nhật vào thế kỷ 16. Tempura mà bạn thưởng thức ngày nay chính là Tempura phiên bản Nhật hóa để phù hợp hơn với khẩu vị của người Nhật. Ngoài ra, một số món ăn phương Tây khác cũng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn của người Nhật như xúc xích, bánh mì,...
2. Quy tắc tam ngũ
Một trong những đặc trưng của văn hoá ẩm thực Nhật Bản chính là tam ngũ. Hầu hết các bữa ăn của người Nhật đều sẽ được chuẩn bị dựa trên quy tắc này.
Tam ngũ ở đây sẽ bao gồm:
- Ngũ vị: Chua, cay, mặn, ngọt, đắng
- Ngũ pháp: Sống, hấp, chiên, nướng, ninh
- Ngũ sắc: Trắng, vàng, đỏ, xanh, đen
Bên cạnh tam ngũ chính nêu trên thì người Nhật cũng sẽ nêm nếm thức ăn dựa theo thứ tự của nguyên âm chữ cái trong tiếng Nhật: 


- Sa (砂糖): Đường, rượu
- Shi (塩): Muối
- Su (醤油): Giấm
- Se (味噌): Tương
- So (紗): Đậu tương miso
Chính nhờ việc áp dụng triết lý này mà các món ăn của Nhật đều có hương vị rất độc đáo và làm nổi bật được tinh hoa văn hoá ẩm thực Nhật bản.
 3. Mỗi món ăn đều có ý nghĩa riêng biệt
Món ăn của Nhật không chỉ dừng lại ở sự tinh tế trong cách chế biến và bài trí mà điều đáng nói ở đây chính là ý nghĩa của từng loại thực phẩm tạo nên món ăn đó.
Ví dụ:
- Đậu hũ mang ý nghĩa về lời chúc sức khoẻ dồi dào.
- Tôm thể hiện sự may mắn và lời chúc trường thọ.
- Rong biển cuộn thể hiện lời chúc mừng hạnh phúc trong năm mới.
- Trứng cá tuyết có ý nghĩa về sự sung túc, sum vầy trong các gia đình,....


Chính bởi sự thể hiện ý nghĩa đặc biệt qua từng món ăn nên các món ăn được người Nhật chuẩn bị cũng sẽ có sự sắp xếp theo từng dịp sự kiện nhất định. Điều này tạo nên sự truyền thống của các món ăn trong văn hoá ẩm thực Nhật Bản.
 4. Chế độ ăn uống lành mạnh
Người Nhật có chế độ ăn uống cực kỳ lành mạnh và khoa học. Họ thường sử dụng các thực phẩm ít chất béo và sử dụng ít gia vị khi chế biến, cùng với đó là sự đơn giản hoá phương pháp chế biến món ăn. Điều này đã giúp người Nhật gia tăng tuổi thọ một cách đáng kể và chế độ ăn uống lành mạnh này cũng được giới chuyên gia  trên thế giới công nhận.
Những điểm nổi bật trong chế độ ăn của người Nhật có thể kể đến như:
- Ăn nhiều cá: Nếu như để ý thì bạn sẽ thay rằng người Nhật ăn rất nhiều cá và hải sản thay vì các loại thịt đỏ. Điều này chính là bởi cá và hải sản có hàm lượng acid béo omega cao, đây là chất béo tốt cho cơ thể, cùng với nhiều loại nguyên tố vi lượng có lợi khác. Không những vậy, lượng calo nạp vào cũng thấp hơn rất nhiều, do đó mà hạn chế được nguy cơ béo phì một cách đáng kể.
- Ăn nhiều rau: Rau xanh, trái cây và salad cũng là nhóm thực phẩm được người Nhật ưa chuộng. Trong các bữa ăn của họ không bao giờ thiếu các món ăn chế biến từ thực vật và trái cây cũng được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
- Đơn giản cách chế biến: Chế biến đơn giản chính là điều mà người Nhật hướng tới trong việc chuẩn bị các món ăn. Họ thường ưu tiên những món ăn sống hoặc hấp, luộc thay vì những món phải chế biến cầu kỳ hay nấu ăn qua lại nhiều lần.
- Sử dụng ít gia vị: Khi chế biến món ăn, người Nhật luôn cố gắng giữ trọn vẹn hương vị của thực phẩm, vì thế mà các loại gia vị cũng rất ít được sử dụng. Đặc biệt là với muối, người Nhật rất ít dùng muối để chế biến, điều này sẽ giúp món ăn được ngon, ngọt tự nhiên nhất.


- Ăn no khoảng 80%: Đây được gọi là phương pháp Hara Hachi Bu. Phương pháp này có ý nghĩa là bạn sẽ chỉ ăn no đến mức 80% mà thôi và sẽ không ăn thêm nữa cho dù rất ngon miệng. Cách ăn này sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hoá và người cũng cảm giác nhẹ hơn sau khi ăn.
- Các món ăn lên men: Những món ăn lên men sẽ là những món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người Nhật. Ví dụ như nước tương, đậu nành lên men hay mơ ngâm,... Không chỉ giúp kích thích vị giác mà các món ăn này còn rất tốt cho hệ tiêu hoá, hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh hơn.
 5. Bữa ăn sáng chất lượng
Bữa sáng là bữa ăn mà người Nhật vô cùng chú trọng. Thay vì các món ăn nhanh thì người Nhật sẽ chế biến một bữa ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng một cách tối đa.
Một bữa sáng truyền thống của người Nhật sẽ gồm có cơm trắng, súp, các món cá, trứng, đậu nành lên men và một vài món ăn phụ khác. Với một bữa sáng chất lượng như vậy thì người Nhật tin rằng họ sẽ có một nguồn năng lượng dồi dào cho một ngày mới.
 6. Món ăn đặc trưng theo mùa
Mùa nào thức nấy là một trong những đặc điểm của văn hoá ẩm thực Nhật Bản. Theo từng mùa, các món ăn sẽ được chuẩn bị một cách tinh tế để bạn có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất về hương vị của mỗi mùa thông qua món ăn.


- Mùa xuân: Các món ăn nổi bật như cơm nghêu, măng tươi và bánh ngọt từ dâu tây hoặc hoa anh đào. Với người Nhật, hoa anh đào chính là đặc trưng của mùa xuân, vì thế mà các bữa ăn cũng sẽ không thể thiếu sắc hồng dịu nhẹ này được.
- Mùa hè: Mùa hè đến, các món ăn sẽ thiên về sự tươi mát và chế biến đơn giản. Ví dụ như mì lạnh, tào phớ, mì ống trúc,...
- Mùa thu: Những món ăn đặc trưng của mùa thu có thể kể đến như món ăn từ nấm Matsutake, bí đỏ, khoai lang, cá thu đao,...
- Mùa đông: Mùa đông với đặc trưng là thời tiết lạnh, vì thế mà các món ăn được lựa chọn thường sẽ thưởng thức theo kiểu ấm nóng. Ví dụ như lẩu, cháo, mì ramen hay các món hầm,...
 7. Quy tắc ăn uống của người Nhật
Đối với người Nhật, trong bữa ăn hàng ngày cũng sẽ cần tuân thủ một số quy tắc nhất định. Cụ thể như:
- Vị trí ngồi: Trên bàn ăn, không phải muốn ngồi ở đâu là bạn có thể ngồi ở đó. Bàn ăn của người Nhật sẽ có sự phân biệt thứ bậc nhất định. Người quan trọng nhất sẽ ngồi ở vị trí xa cửa nhất và để đảm bảo thì bạn nên nhường những người lớn tuổi, có thứ bậc cao hơn mình ngồi trước và sau đó bạn mới ngồi. Còn nếu bạn là khách thì nên để chủ nhà chọn chỗ cho mình để tránh mắc sai lầm và gây ấn tượng xấu.


- Cũng giống như người Việt, trước khi ăn thì người Nhật cũng sẽ nói một câu thể hiện lời mời/lời cảm ơn. “Itadakimasu” chính là câu nói được sử dụng phổ biến trong trường hợp này.
- Quy tắc trong bữa ăn:
+ Khi ăn nên ăn cả miếng và hạn chế việc cắn dở thức ăn sau đó để vào bát của mình. Trường hợp nếu thức ăn quá to thì nên dùng tay che miệng khi ăn.
+ Không nên gắp thức ăn cho người khác bằng đũa của mình. hãy sử dụng một đôi đũa mới khác để gắp thức ăn mời người khác.
+ Người Nhật kiêng chuyền thức ăn bằng đũa vì nó liên quan đến một nghi thức ở trong đám tang.
+ Không gác đũa lên miệng bát, thay vào đó họ sử dụng đồ gác đũa.
+ Không sử dụng tay để hứng đồ ăn rơi. Khi gắp thức ăn, bạn nên dùng bát để hứng ở bên dưới.
+ Không để xương hay vỏ hải sản ở nắp bát, đĩa khác. Tốt nhất, bạn nên để vào đĩa của món ăn đó sau khi dùng xong. Điều này sẽ giúp bạn không bị cho là mất lịch sự.
+ Tăm xỉa răng thường sẽ được để trong nhà vệ sinh ở các nhà hàng Nhật. Bởi phụ nữ Nhật thường ngại xỉa răng ở trước mặt người khác.
Có thể thấy rằng, văn hoá ẩm thực Nhật Bản ẩn chứa rất nhiều điều thú vị mà bạn không hề nghĩ tới nếu như không tìm hiểu. Và nếu như bạn có dự định đi Nhật thì việc nắm bắt để nhập gia tùy tục chính là điều tất yếu. 
Theo dõi Tokai Việt Nhật để nắm bắt các thông tin mới và hữu ích nhất liên quan tới Nhật Bản nhé!